Thương cảng Vân Đồn
Thương cảng Vân Đồn
Nói đến Thương cảng Vân Đồn là chúng ta nói đến một thương cảng cổ đã sớm được hình thành trong lịch sử quân chủ Việt Nam. Đây được xem là một trung tâm thương mại có quy mô lớn, một khu vực có vị trí quân sự chiến lược gắn liền với quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước của dân tộc ta trong lịch sử.

Tên gọi Vân Đồn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam vào thời Lý (1010 – 1225). Năm 1149, vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) đã cho khai mở trang Vân Đồn để đón thuyền buôn nước ngoài vào buôn bán, trao đổi hàng hóa với nước ta.
Đến thời Trần (1226 – 1400), Vân Đồn không chỉ được biết đến là một thương cảng sầm uất bậc nhất của nước ta mà nơi đây còn chứng kiến thắng lợi vẻ vang của quân dân nhà Trần (năm 1288) dưới sự chỉ huy của phó tướng Trần Khánh Dư khi đánh chìm và tiêu diệt tướng giặc Trương Văn Hổ và 500 chiến thuyền trở lương thực của quân Nguyên tiếp viện cho Thoát Hoan trên dòng sông Mang.

Thế kỷ XV, Danh nhân văn hóa thế giới – Nguyễn Trãi – khi đến thăm Vân Đồn đã có những vần thơ trác tuyệt ca ngợi cảnh quan và hoạt động kinh tế của Thương cảng Vân Đồn:
Đường đến Vân Đồn lắm núi sao
Kỳ quan đất dựng giữa trời cao
Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng
Muôn hộc xanh om tóc mượt màu
Non biển gạn trong tay vũ trụ
Tim gan chẳng núng sức ba đào
Trông bờ cây cỏ rờn rờn lục
Nghe nói người Phiên vụng đỗ tàu.
(Nguyễn Trãi toàn tập – Đào Duy Anh dịch)
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, địa danh Vân Đồn luôn được ghi trong các bộ sử, địa chí Việt Nam, Trung Quốc và các nguồn tư liệu nước ngoài… Qua đó cho thấy Vân Đồn nổi lên với vị trí là một trung tâm quân sự chiến lược, một thương cảng có quy mô mang tầm một trung tâm kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong lịch sử.
Mai Duyên – Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Vân Đồn